Việc cho rằng LGBTQ+ là sản phẩm của cách mạng màu là sự xúc phạm lòng yêu nước và sự tự hào dân tộc

Mỗi đợt PRIDE là sẽ thấy 1 đám zombie cho rằng đây là hệ quả của quá trình “diễn biến hòa bình”, hay “cách mạng màu” do các thế lực nước ngoài kích động nhằm làm xói mòn bản sắc văn hóa và độc lập chính trị của Việt Nam.

Phát ngôn kiểu đó không chỉ sai về mặt khoa học xã hội, mà còn vô tình xúc phạm chính chính người dân Việt Nam, phủ nhận năng lực phát triển nhận thức độc lập và phẩm giá tự chủ của xã hội Việt Nam trong quá trình hội nhập toàn cầu.

-----

1. Khái niệm Cách mạng màu và tại sao LGBTQ+ ko phải là CMM

Nếu xét theo khoa học chính trị hiện đại, bản chất của các cuộc cách mạng màu chính là sự thay đổi nhanh chóng về quyền lực nhà nước, thường diễn ra trong một thời gian ngắn. Những sự kiện đó thường bắt đầu bằng các cuộc biểu tình quy mô lớn, thu hút hàng chục nghìn người tham gia, và nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài về truyền thông, tài chính cũng như chính trị. Những tổ chức từ nước ngoài có thể giúp các phong trào này gây sức ép mạnh lên chính quyền, làm lung lay sự chính danh của nhà cầm quyền và ảnh hưởng đến sự kiểm soát bộ máy nhà nước. Các cuộc Cách mạng Hoa Hồng ở Gruzia năm 2003, Cách mạng Cam ở Ukraina năm 2004 và Cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan năm 2005 là những ví dụ tiêu biểu. Ở những nơi này, thường có ba điều kiện hội tụ cùng lúc.

  • 1. Sự bất mãn sâu rộng trong dân chúng. 2. Lực lượng đối lập trong nước đủ mạnh và có tổ chức bài bản. 3. Có sự hỗ trợ tích cực từ bên ngoài thông qua các kênh ngoại giao, tài trợ và truyền thông quốc tế.

Khi nhìn lại phong trào LGBTQ+ ở Việt Nam, rất dễ nhận ra rằng hoàn toàn không có yếu tố nào giống. Thứ nhất, đây không phải là một phong trào nhằm lật đổ hay thay đổi quyền lực nhà nước. Những người hoạt động vì LGBTQ+ không yêu cầu thay đổi chế độ hay đụng đến các vấn đề quyền lực chính trị. Họ tập trung vào các vấn đề dân sự như quyền được kết hôn, quyền sống công khai với bản dạng giới của mình, và quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng như mọi công dân khác. Thứ hai, các nhóm vận động LGBTQ+ tại Việt Nam chủ yếu hoạt động dưới hình thức các tổ chức xã hội nhỏ, chủ yếu làm công tác truyền thông giáo dục, chia sẻ thông tin, hỗ trợ cộng đồng và tham vấn chính sách. Họ không nhận sự tài trợ hay chỉ đạo từ các tổ chức nước ngoài mang mục tiêu chính trị. Thứ ba, ngay cả nhà nước Việt Nam cũng không coi phong trào LGBTQ+ là mối đe dọa đến ổn định chính trị. Trái lại, nhà nước dần mở rộng không gian thảo luận, xem đây như một lĩnh vực mới trong quản lý xã hội, tương tự như các chính sách về bình đẳng giới, sức khỏe cộng đồng hay phòng chống bạo lực gia đình.

-----------

2. Sự phát triển tự nhiên và tiếp thu có chọn lọc của phong trào LGBTQ+ tại Việt Nam

Sự thay đổi trong nhận thức về LGBTQ+ ở Việt Nam thực chất là kết quả của quá trình phát triển nội tại của xã hội. Khi kinh tế phát triển lên mức thu nhập trung bình rồi cao hơn, nhiều sự thay đổi xã hội xuất hiện đồng thời. Giáo dục đại học mở rộng, tầng lớp trung lưu đô thị ngày càng đông, người dân có điều kiện tiếp cận thông tin quốc tế dễ dàng hơn qua Internet, phim ảnh, âm nhạc hay du lịch. Khi đời sống vật chất đã ổn định hơn, người dân bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng cuộc sống tinh thần, quyền tự do cá nhân và sự đa dạng về lối sống. Theo lý thuyết chuyển đổi giá trị của Ronald Inglehart, đây là quy luật tự nhiên trong quá trình phát triển hiện đại. Việt Nam đang đi đúng vào giai đoạn đó nhờ hơn ba mươi năm hội nhập quốc tế. Thế hệ trẻ sinh ra trong thời kỳ đổi mới và hội nhập chính là trung tâm của sự thay đổi này. Họ lớn lên trong môi trường có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn hóa, ngôn ngữ, giá trị và tư duy quốc tế. Điều quan trọng là người trẻ Việt Nam không hề sao chép máy móc những gì từ phương Tây. Trái lại, họ biết chọn lọc, điều chỉnh những gì phù hợp với văn hóa gia đình, lối sống xã hội và hoàn cảnh cụ thể của đất nước mình. Quá trình này gọi là nội địa hóa, tức là khi các giá trị quốc tế đi vào Việt Nam, chúng được điều chỉnh để phù hợp với văn hóa Việt, chứ không phải cứ nguyên vẹn đem về áp dụng.

Đặc biệt, khác với nhiều nước từng xảy ra cách mạng màu, tầng lớp trung lưu Việt Nam vốn là lực lượng ủng hộ mạnh mẽ quyền LGBTQ+ lại luôn có xu hướng muốn giữ vững sự ổn định chính trị. Vì chính họ là nhóm đang được hưởng lợi từ sự ổn định đó trong công việc, thu nhập và đời sống xã hội. Trong khoa học chính trị, hiện tượng này được gọi là ổn định thể chế song song với sự tiến hóa về giá trị xã hội. Nghĩa là hệ thống chính trị vẫn giữ vững sự ổn định, trong khi xã hội tiếp tục phát triển những nhận thức cởi mở hơn về quyền cá nhân, giới tính và lối sống.

Nói rằng sự phát triển của phong trào LGBTQ+ ở Việt Nam là do cách mạng màu tạo ra thực chất là phủ nhận khả năng tự chủ của người Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới văn minh mà vẫn giữ được độc lập chính trị. Đó là cách nói xúc phạm đến phẩm giá của dân tộc Việt Nam, biến người Việt thành những người bị thao túng, trong khi thực tế cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia biết cân bằng giữa hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc văn hóa, chính trị khá vững vàng trong thế giới đầy biến động ngày nay.

---------------

3. Quyền lực mềm và tinh thần độc lập tự chủ của Việt Nam trong toàn cầu hoá

Nếu nhìn dưới góc độ quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế, việc các giá trị về bình đẳng giới, quyền cá nhân và quyền LGBTQ+ lan tỏa vào Việt Nam đi theo một con đường rất khác so với các hình thức can thiệp chính trị cưỡng ép. Theo lý thuyết quyền lực mềm mà học giả Joseph Nye đưa ra, sức ảnh hưởng của các giá trị văn minh không đến từ áp lực cưỡng bức, mà đến từ sự hấp dẫn tự nhiên của văn hóa, mô hình phát triển, lối sống và hệ giá trị. Người ta chấp nhận nó vì tự thấy nó hợp lý, chứ không phải vì bị ai đó ép buộc.

Trong trường hợp Việt Nam, những giá trị liên quan đến LGBTQ+ không hề đi vào xã hội qua các kênh ngoại giao áp đặt, viện trợ có điều kiện hay các mệnh lệnh từ tổ chức quốc tế nào. Chúng thấm dần vào đời sống thường nhật qua phim ảnh, âm nhạc, mạng xã hội, các chương trình trao đổi sinh viên, những chuyến du học, qua những người Việt trẻ đi học hoặc đi làm ở nước ngoài rồi đem kiến thức và trải nghiệm trở về nước. Cũng qua các chuyến du lịch, giao lưu văn hóa, thương mại điện tử mà người Việt ngày nay tiếp xúc rộng rãi hơn với thế giới. Sự tiếp cận này không diễn ra bất ngờ mà đi song song với chính sách hội nhập chủ động mà Việt Nam đã kiên trì theo đuổi hơn ba mươi năm qua, từ khi tham gia WTO, ASEAN, các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, cho đến những diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế như APEC hay G20 mở rộng.

Việt Nam, trong quá trình hội nhập sâu rộng ấy, không chỉ học hỏi các chuẩn mực về kinh tế mà còn tiếp cận dần với những tiêu chuẩn toàn cầu về quyền lao động, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền cá nhân và nhiều vấn đề xã hội khác. Nhưng điều đáng chú ý là, trong suốt quá trình ấy, Việt Nam vẫn giữ quyền tự quyết. Không có quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có thể ép buộc Việt Nam đánh đổi độc lập chính trị để đổi lấy các giá trị xã hội mới. Nhà nước luôn giữ quyền kiểm soát tốc độ, phạm vi và mức độ tiếp nhận sao cho phù hợp với thực tế xã hội trong nước.

Theo lý thuyết về norm localization mà học giả Amitav Acharya đề xuất, khi các giá trị toàn cầu đi vào các nước không thuộc phương Tây, chúng không được áp dụng nguyên xi mà luôn được điều chỉnh lại cho phù hợp với bối cảnh văn hóa, truyền thống và đời sống thực tế của từng quốc gia. Việt Nam chính là một ví dụ sinh động cho quá trình đó. Các giá trị về LGBTQ+ khi đi vào Việt Nam đều trải qua sự điều chỉnh phù hợp. Từ việc làm quen với khái niệm về bản dạng giới, tìm cách đặt tên các thuật ngữ giới tính sao cho gần gũi với tiếng Việt, đến việc dần dần được gia đình, xã hội thừa nhận và xem xét lại vai trò giới trong hôn nhân, huyết thống và cộng đồng. Đó là một quá trình thương lượng văn hóa rất phức tạp mà chỉ người Việt Nam mới có thể tự mình làm được. Không có bất kỳ thế lực bên ngoài nào có thể can thiệp trực tiếp vào những tầng nếp văn hóa tinh vi ấy.

Ngay trong quá trình quản lý của nhà nước, Việt Nam cũng hoàn toàn chủ động trong việc điều chỉnh chính sách. Từ đầu những năm 2010, nhà nước đã có những bước đi thận trọng như việc bãi bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình vào năm 2015. Mỗi bước tiến như vậy đều được cân nhắc kỹ lưỡng, điều chỉnh nhịp nhàng theo sự trưởng thành dần của nhận thức xã hội. Song song đó, những cuộc thảo luận về LGBTQ+ cũng dần xuất hiện công khai trên báo chí, truyền hình, trong trường học, các hội thảo khoa học và cả trên các kênh thông tin chính thức. Nhà nước lựa chọn một cách quản lý mềm dẻo, vừa tạo không gian cho xã hội trao đổi, vừa kiểm soát chung để giữ ổn định tổng thể.

Điều quan trọng cần hiểu là, trong hệ thống quản lý của Việt Nam, những vấn đề như LGBTQ+ chưa bao giờ bị coi là mối đe dọa chính trị cấp bách. Nhà nước từ lâu đã biết phân biệt rất rõ giữa những yêu cầu chính đáng về quyền cá nhân và những phong trào có nguy cơ thách thức cấu trúc chính trị. Nhờ đó, chính quyền có đủ dư địa để điều chỉnh chính sách xã hội một cách thận trọng, tránh được những va chạm quyền lực không cần thiết như đã xảy ra ở một số quốc gia khác. Trong khoa học chính trị, mô hình điều chỉnh như vậy được nhiều học giả quốc tế gọi là ổn định có thích nghi, tức là vẫn giữ được quyền kiểm soát trung tâm nhưng linh hoạt mở rộng cải cách ở các lĩnh vực xã hội không trực tiếp tác động đến cấu trúc quyền lực.

Quan trọng hơn, khi có người gán ghép phong trào LGBTQ+ ở Việt Nam là sản phẩm của cách mạng màu, thì đó không chỉ là sự sai lầm về nhận thức mà còn là một sự coi thường khả năng trưởng thành nhận thức của chính người Việt Nam. Người Việt hôm nay có đủ tri thức, đủ bản lĩnh, đủ sự tỉnh táo để tự chọn lọc, tự học hỏi, tự điều chỉnh nhận thức sao cho phù hợp với hoàn cảnh dân tộc, gia đình và cộng đồng mình. Chính năng lực tự chủ văn minh đó mới là điều giúp Việt Nam hội nhập sâu với thế giới mà vẫn giữ vững được sự ổn định chính trị, sự đa dạng văn hóa và phẩm giá quốc gia. Việc ngày càng nhiều người Việt ủng hộ quyền LGBTQ+ không phải là do bị Tây hóa, cũng không phải là sản phẩm của những chiến dịch tư tưởng từ bên ngoài, mà đơn giản là kết quả tự nhiên của sự phát triển xã hội khi người dân có điều kiện tiếp cận đầy đủ hơn với tri thức và văn minh nhân loại.

Trong thế kỷ mới, giá trị của một quốc gia không chỉ nằm ở khả năng chống sự can thiệp từ bên ngoài, mà còn nằm ở khả năng làm chủ tiến trình hội nhập, tự điều chỉnh, tự chọn lọc và chuyển hóa những giá trị toàn cầu thành những phần thích hợp trong bản sắc dân tộc, trong khi vẫn giữ được sự ổn định chính trị bên trong. Việt Nam đang làm được điều đó, và chính sự trưởng thành trong nhận thức về giới tính ngày hôm nay là một minh chứng cụ thể.

Sun