Câu chuyện về Nguyễn Nam Long cho thấy rằng, từ xưa đến nay, những đứa trẻ được xem là “thần đồng” luôn phản ánh cách xã hội gắn liền tài năng với ánh hào quang, và đồng thời đánh đổi tuổi thơ lấy năng suất. Nhưng đằng sau những lời khen ngợi là những câu hỏi lớn về phát triển tâm lý, gia đình, và xã hội. Bài viết này sẽ phân tích hiện tượng “thần đồng” qua bốn góc nhìn:

  1. Cơ sở khoa học tâm lý của trẻ tài năng và những giới hạn thực tế
  2. Tác hại của việc định danh quá sớm lên quá trình hình thành bản sắc cá nhân
  3. Vai trò của cha mẹ và môi trường văn hóa trong việc định hình thành công
  4. Lời kết về “tuổi thơ” trong thời buổi thị trường

1.Cơ sở khoa học tâm lý của thần đồng và những giới hạn thực tế

Không ai phủ nhận rằng có những đứa trẻ vượt trội hơn hẳn bạn bè cùng lứa. Từ nhiều năm nay, tâm lý học đã ghi nhận sự tồn tại của những đứa trẻ có năng lực tư duy phát triển sớm, nhanh và mạnh hơn mức bình thường. Các em này tiếp thu nhanh, giải quyết vấn đề phức tạp, và thường đạt điểm cực cao trong các bài kiểm tra IQ như WISC hay Stanford-Binet. Nhưng “tài năng” không chỉ là chuyện thông minh hay trí nhớ tốt. Người ta vẫn còn tranh luận: liệu tài năng có bao gồm cả sự sáng tạo, tính tò mò, khả năng thích nghi, và kỹ năng xã hội không?

Cuốn sách Gifted Children: Myths and Realities (1996) của Ellen Winner đã giúp lý giải rõ hơn. Theo bà, trẻ tài năng thường có ba điểm nổi bật: phát triển sớm, say mê học hỏi, và cách tiếp nhận thông tin khác thường. Có em biết đọc từ ba tuổi, sáng tác nhạc từ năm tuổi, giải toán từ bảy tuổi. Nhiều em học vì đam mê, không cần ai khen thưởng hay thúc ép. Và quan trọng hơn, các em không chỉ học nhanh hơn mà còn học theo cách rất riêng: tự tìm hiểu, tự rút ra quy luật, tự xây dựng phương pháp học cho mình.

Từ góc nhìn phát triển lâu dài, Subotnik, Olszewski-Kubilius và Worrell (2011) chia tài năng thành ba mức độ: tiềm năng (năng khiếu bẩm sinh), thành tựu (những gì đạt được trong học tập), và đỉnh cao (có ảnh hưởng và được xã hội công nhận ở tuổi trưởng thành). Nhiều trẻ có tiềm năng, một số đạt thành tích sớm, nhưng rất ít em duy trì được đến đỉnh cao. Để đi được chặng đường đó, cần rất nhiều yếu tố hỗ trợ: người hướng dẫn, môi trường ổn định, cơ hội phù hợp và hậu thuẫn từ gia đình.

Nguyễn Nam Long có thể đang đi trên hành trình đó. Biết lập trình từ sớm, đạt điểm IELTS và TOEIC gần tuyệt đối, và được công chúng biết đến khi mới 13 tuổi, đó là những điều không bình thường. Nhưng chính vì không bình thường, nên em cần được bảo vệ đặc biệt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ càng giỏi càng dễ tổn thương nếu bị đưa vào môi trường người lớn quá sớm. Nhiều em phát triển sớm về trí tuệ, nhưng cảm xúc và kỹ năng xã hội lại chưa theo kịp. Điều này gọi là “phát triển không đồng bộ” (asynchronous development). Một em có thể giải toán đại học, nhưng vẫn buồn bã, bối rối khi bị bạn bè chê hay bị từ chối. Khi các em bị kỳ vọng thuyết trình, lãnh đạo, hoặc luôn phải làm gương, hệ thần kinh chưa đủ trưởng thành có thể bị quá tải, sinh ra lo âu, áp lực hoàn hảo, và cả cô đơn.

https://www.davidsonacademy.unr.edu/blog/understanding-asynchronous-development-in-gifted-students/

Tracy Cross cũng cho thấy nhiều trẻ tài năng cảm thấy cô độc, lo lắng về ý nghĩa cuộc sống, và luôn sợ mình không đủ giỏi. Nhiều em rơi vào trạng thái gọi là hội chứng kẻ giả danh (impostor phenomenon): dù có thành tích nhưng vẫn nghĩ mình chỉ là “ăn may” và sợ bị phát hiện là đang lừa bịp mọi người. Nghiên cứu cũng ghi nhận những khác biệt giới tính rõ rệt: các bé gái tài năng thường cố tình che giấu khả năng để hoà nhập với bạn bè, tránh nổi bật và gây chú ý. Trong khi đó, các bé trai lại có xu hướng thể hiện sự căng thẳng bằng cách phản kháng, chống đối, hoặc rút lui khỏi môi trường xung quanh. Đây là những cơ chế phòng vệ tâm lý giúp trẻ giữ cân bằng tạm thời, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến các rối loạn cảm xúc và hành vi nếu không được nhận diện và hỗ trợ đúng cách. https://www.davidsongifted.org/gifted-blog/gifted-adolescents-and-depression/

Một số nghiên cứu dài hạn của nhóm Terman từ những năm 1920, chương trình SMPY (Study of Mathematically Precocious Youth) của Lubinski and Benbow’s, đã theo dõi hơn 5.000 trẻ em có năng lực toán học vượt trội từ thập niên 1970. Kết quả cho thấy phần lớn trong số họ đạt thành tích học tập cao, giành được bằng cấp danh giá và giữ các vị trí chuyên môn trong nhiều lĩnh vực như khoa học, y học, luật và quản trị. Đáng chú ý, nhiều người trong số họ cũng đánh giá bản thân là hài lòng với lựa chọn cuộc sống khi bước vào tuổi trung niên, và các chỉ số khách quan cũng xác nhận cảm nhận này (Lubinski et al., 2006).

Tuy nhiên, các tác giả cũng nhấn mạnh rằng để đạt được thành tựu khoa học xuất sắc, năng khiếu bẩm sinh là chưa đủ. Những đứa trẻ này cần môi trường học tập phù hợp, cơ hội phát triển chuyên biệt, và cam kết dài hạn từ chính bản thân. Bên cạnh đó, không phải ai cũng tiếp tục theo đuổi ngành khoa học kỹ thuật. Nhiều người chọn các lĩnh vực khác phù hợp hơn với giá trị và sở thích cá nhân, và các đóng góp của họ cũng được nhìn nhận như một phần thiết yếu trong bức tranh rộng lớn của xã hội hiện đại. https://psycnet.apa.org/record/2007-02285-003

Vì vậy, nghịch lý ở đây là: một đứa trẻ càng giỏi, càng cần được bảo vệ. Càng đi nhanh, càng dễ vấp ngã. Thứ các em cần không chỉ là người thầy hay ngôi trường tốt, mà là không gian để chơi, để thở, để sai, để không cần làm gì mà vẫn được yêu thương. Thứ nguy hiểm nhất không phải là em thất bại, mà là em thành công quá sớm và nghĩ rằng mình phải giỏi mãi để xứng đáng tồn tại.

Thành công sớm không phải là sai. Nhưng nó không bao giờ là trung lập. Nó luôn để lại dấu vết, và dấu vết ấy có thể tích cực hoặc tàn nhẫn, tùy vào cách người lớn xung quanh đối xử với nó. Trẻ thần đồng cần được chăm sóc như con người, không phải như biểu tượng. Các em cần thời gian để lớn lên một cách đầy đủ, không chỉ để giỏi, mà còn để sống. Và đôi khi, được sống bình thường chính là điều kỳ diệu nhất dành cho một đứa trẻ phi thường.

2. Tác hại của việc định danh quá sớm lên quá trình hình thành bản sắc cá nhân

Một trong những lý thuyết được trích dẫn nhiều nhất khi nghiên cứu tuổi vị thành niên là mô hình phát triển tâm lý xã hội của Erik Erikson. Không giống các mô hình chỉ quan tâm đến nhận thức hay hành vi, Erikson nhìn vào “cái tôi” như một quá trình đi tìm ý nghĩa sống, được hình thành từ sự kết hợp giữa trải nghiệm nội tâm và tác động từ thế giới bên ngoài. Theo ông, giai đoạn từ 12 đến 18 tuổi là lúc con người bắt đầu đặt ra những câu hỏi nền tảng: Tôi là ai? Tôi thuộc về đâu? Tôi sống vì điều gì? Đây không phải là quãng thời gian để đạt thành tích, mà là để thử nghiệm, để sai, để gãy đổ và làm lại, để thử sống trong nhiều vai và học cách tự mình lựa chọn. Erikson gọi giai đoạn đó là là moratorium, một giai đoạn được phép trì hoãn việc định hình bản sắc cá nhân, nhằm tạo không gian cho sự khám phá.

Khi giai đoạn này bị rút ngắn quá sớm, nhất là do áp lực từ người lớn hoặc các phần thưởng đến từ nhà trường, xã hội, trẻ có nguy cơ rơi vào trạng thái gọi là identity foreclosure, một khái niệm được James Marcia phát triển thêm vào năm 1966. Foreclosure là khi cá nhân tiếp nhận một bản sắc được giao sẵn từ cha mẹ, thầy cô hoặc môi trường xã hội, mà không trải qua quá trình tự khám phá thực sự. Ví dụ, một thiếu niên có thể chấp nhận sớm một hệ tư tưởng, một niềm tin tôn giáo, hoặc trong trường hợp này, một vai trò nghề nghiệp như “doanh nhân” hay “lãnh đạo trẻ.” Vấn đề là bản sắc được hình thành theo cách này thường mong manh, thiếu chiều sâu, và không giúp cá nhân thích nghi lâu dài. Trẻ có thể hiểu nhầm rằng thành công là điều kiện để được tồn tại. Từ đó, hành trình khám phá bản thân bị thay thế bởi việc duy trì một vỏ bọc dễ được tán thưởng.https://dictionary.apa.org/identity-foreclosure

Có nghiên cứu cho thấy những người rơi vào foreclosure thường có xu hướng gia trưởng, dễ lo âu, và khó chấp nhận sự mơ hồ, đặc biệt là trong những giai đoạn chuyển tiếp hoặc áp lực cao. Vì bản sắc không được xây dựng từ nội lực, họ thường không đủ linh hoạt để điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi. Trong trường hợp của những thần đồng như Long, việc nhận được quá nhiều sự công nhận sớm từ bên ngoài, từ truyền thông, cộng đồng mạng, đến các tổ chức, dễ khiến em xem vai trò hiện tại như một phần cố định của bản thân. Nếu em muốn dừng lại hay đổi hướng, điều đó sẽ không còn là một quyết định cá nhân, mà thành một dạng “phản bội” lại chính hình ảnh người khác gán cho mình. https://www.apa.org/ed/schools/gifted/rethinking-giftedness.pdf

Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi đặt trong một bối cảnh xã hội mà các nhà tâm lý gọi là achievement culture, một văn hóa trong đó giá trị con người được đo bằng thành tích cụ thể. Trong hệ thống này, tuổi thơ không còn là một quá trình sống có ý nghĩa tự thân, mà trở thành giai đoạn chuẩn bị cho nghề nghiệp. Chủ nghĩa cầu toàn (perfectionism) không còn là một đặc điểm cá biệt mà trở thành triệu chứng chung của hệ thống. Phân tích tổng hợp của Thomas Curran và Andrew P. Hill (2017), dựa trên dữ liệu từ hơn 40.000 sinh viên tại Anh, Mỹ và Canada trong giai đoạn 1989–2016 cho thấy sự gia tăng rõ rệt của chủ nghĩa cầu toàn ở ba dạng: tự đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân, kỳ vọng tiêu chuẩn cao từ người khác, và cảm thấy bị áp đặt tiêu chuẩn bởi xã hội. Trong ba dạng này, kiểu cầu toàn mang tính xã hội (socially prescribed perfectionism) là nguy hiểm nhất, vì nó có liên hệ chặt chẽ với trầm cảm, hành vi tự hủy hoại, và cả ý định tự tử.

https://www.apa.org/pubs/journals/releases/bul-bul0000138.pdf

Và một lần nữa, thần đồng, trớ trêu thay, lại là nhóm dễ tổn thương nhất. Thành công sớm khiến các em quen với ánh mắt chờ đợi và kỳ vọng. Mỗi bước đi đều có người theo dõi. Mỗi lỗi sai đều có thể bị thổi phồng. Những lúc ấy, thay vì được hỏi em cảm thấy thế nào, các em chỉ được nhắc phải cố gắng nhiều hơn. Nhưng những áp lực này không phải ngẫu nhiên mà có. Chúng đến từ một xã hội đang thay đổi quá nhanh. Hai thập kỷ trở lại đây, ranh giới giữa trẻ em và người lớn dần bị xóa nhòa. Neil Postman đã cảnh báo điều này từ năm 1982 trong cuốn The Disappearance of Childhood. Ngày nay, một đứa trẻ không còn đơn thuần là đứa trẻ. Chúng là thương hiệu cá nhân đang hình thành. Là gương mặt đại diện cho thế hệ mới. Là đại sứ đổi mới. Một em thích lập trình được gọi là “kỹ sư tương lai”. Một em học giỏi tiếng Anh được hướng dẫn tạo nội dung trên mạng xã hội. Khả năng trở thành công cụ. Tò mò trở thành sản phẩm. Tuổi thơ trở thành chiến dịch quảng bá.

Khi mọi bên, từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng mạng, đều đánh giá trẻ bằng thành tích, các em không còn chỗ để thử và sai, để rút lui hay nghỉ ngơi. Nhưng chính những khoảng trống đó mới là nơi một bản sắc thật sự được hình thành. Trẻ cần không gian để tự hỏi: Mình là ai, ngoài vai trò mà người khác gán cho mình?

Muốn bảo vệ trẻ, ta phải thay đổi cách nhìn. Không thể chỉ tập trung vào năng lực cá nhân, mà cần nhìn vào môi trường sống đang bao quanh chúng. Hỗ trợ tâm lý, định hướng học tập, và truyền thông có đạo đức là điều kiện bắt buộc để một đứa trẻ giỏi không bị biến thành sản phẩm. Trẻ sẽ phát triển tốt nhất khi môi trường phù hợp với tính cách và nhu cầu của trẻ. Nếu môi trường chỉ quan tâm đến kết quả và hình ảnh, dù trẻ có giỏi đến mấy, sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện lệch pha. Và khi đó, không chỉ trẻ tổn thương. Cả xã hội cũng mất đi một con người thật, để đổi lấy một robot, một phiên bản được đóng khung bằng kỳ vọng. Tài năng là điều đáng quý, nhưng cũng cần được chăm sóc bằng sự thấu hiểu và cẩn trọng.

3. Vai trò của cha mẹ và môi trường văn hóa trong việc định hình thành công

Câu chuyện về Long làm dấy lên hai luồng ý kiến trái ngược: một bên ca ngợi em như hình mẫu lý tưởng của thế hệ mới, bên còn lại cho rằng em chỉ là sản phẩm được người lớn tạo dựng. Nhưng cách nhìn này quá đơn giản. Nó bỏ qua những yếu tố sâu xa đặc biệt là vai trò của gia đình, xã hội và văn hóa. Thực tế, điều gọi là “tài năng thiên bẩm” không xuất hiện từ hư vô. Nó thường đi kèm với những điều kiện thuận lợi: cha mẹ có học thức, có hiểu biết về hệ thống, và biết cách tạo dựng hình ảnh cho con.

Nhà xã hội học Pierre Bourdieu từng chỉ ra rằng thành công của một người không chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân, mà còn liên quan đến những loại “vốn” mà người đó được thừa hưởng. Vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn biểu tượng, tất cả đều có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để một đứa trẻ 13 tuổi trở thành “Chief Growth Officer”, có lời mời thực tập, hay sở hữu hồ sơ cá nhân dùng ngôn ngữ như KPIs, startup scaling, hay liên kết quốc tế, thì phía sau đó phải là một mạng lưới tri thức được truyền dẫn từ người lớn. Mạng lưới này bao gồm kiến thức về ngành công nghệ, logic của việc xây dựng thương hiệu cá nhân, và các quy tắc ngầm của sự thăng tiến xã hội. Đó là kết quả của quá trình tiếp xúc với một môi trường mà những khái niệm ấy là cơm bữa. Trẻ có thể thông minh. Nhưng để đứng được ở vị trí hiện tại, em phải được định hướng, nâng đỡ và trao quyền từ rất sớm.

Điều khiến người ta băn khoăn là quá trình ấy không phải lúc nào cũng xuất phát từ nhu cầu nội tại của đứa trẻ. Các nhà tâm lý học phát triển từ lâu đã cảnh báo về hiện tượng “achievement by proxy distortion” (ABPD), do Tofler, Knapp và Larden (2005) đề xuất. ABPD mô tả tình trạng cha mẹ vô thức gắn cảm giác giá trị bản thân hay những giấc mơ còn dang dở của mình vào thành tích của con. Điều này có thể bắt đầu từ tình yêu và sự ủng hộ, nhưng dễ biến thành sự đảo ngược vai trò, nơi đứa trẻ trở thành phương tiện để cha mẹ thực hiện nhu cầu tâm lý của chính họ. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến trong các môi trường có tính trình diễn cao như thể thao, âm nhạc, học thuật, và nay là startup cùng các nền tảng số.

Ngoài ra, đây không đơn thuần là chuyện riêng của một gia đình. Những trường hợp như vậy, khi được chia sẻ rộng rãi, có thể làm lệch hẳn cách xã hội nhìn về tuổi thơ. Trong tâm lý học, “schema” là những khuôn mẫu nhận thức mà tập thể vô thức sử dụng để xác định điều gì là đúng, là lý tưởng. Khi những câu chuyện như của Long được lan truyền, chúng dần trở thành khuôn mẫu mới cho việc “một đứa trẻ có thể và nên trở thành ai.” Từ đó, một hình ảnh mới về trẻ em xuất hiện. Valerie Walkerdine từng chỉ ra rằng trong nhiều bối cảnh giáo dục và truyền thông, trẻ em ngày càng được tưởng tượng như những cá nhân tự chủ, đầy năng lực, biết tạo ra giá trị và định hình thương hiệu cá nhân từ rất sớm. Một kiểu “doanh nhân nhỏ tuổi.” Nhưng trên thực tế, những đứa trẻ này không hề tự thân làm nên hình ảnh đó. Đó là sản phẩm của một hệ thống giám sát chặt chẽ từ người lớn, từ kỳ vọng của nhà trường, từ ánh mắt của cha mẹ, và từ cả thuật toán lan truyền của mạng xã hội.

Cần chú ý rằng ở đây người viết không bác bỏ sự xuất sắc hay phủ nhận khát vọng của các thần đồng. Mà là để nhắc rằng phát triển là một quá trình chậm, không đồng đều, và rất cá nhân. Một đứa trẻ có thể cực kỳ giỏi ở một lĩnh vực, nhưng vẫn còn non nớt ở lĩnh vực khác. Có thể thông minh, nhưng vẫn cần được bảo vệ. Có thể có định hướng, nhưng vẫn cần được phép sai và đổi hướng. Não bộ trẻ phát triển dựa vào trải nghiệm, nhưng cũng rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi căng thẳng kéo dài. Môi trường áp lực cao có thể tăng kỹ năng, nhưng đồng thời làm giảm khả năng điều tiết cảm xúc và hình thành những mối quan hệ lành mạnh.

Vậy nên, khi nhìn một đứa trẻ như Long, câu hỏi không phải là em có giỏi thật hay không. Câu hỏi là: liệu xã hội có thể bảo vệ được tài năng ấy không? Liệu ta có thể nhìn thấy một đứa trẻ xuất chúng, mà không biến em thành đại diện cho tham vọng của người lớn? Liệu ta có thể giữ cho sự vượt trội được sống trong môi trường tử tế, thay vì bị khai thác hay không? Trẻ có thể là thần đồng. Nhưng người lớn phải là chỗ dựa, là người biết cách để một đứa trẻ, dù em có tài năng đến đâu, vẫn được phép là trẻ con.

4. Lời kết về “tuổi thơ” trong thời buổi thị trường

Chúng ta không thiếu giải pháp. Các khuyến nghị từ giới chuyên môn đã được đưa ra. Những nguyên tắc giáo dục nhân văn không hề mới. Các nhà tâm lý học phát triển đã nhiều lần cảnh báo. Những nghiên cứu định tính về tổn thương thời thơ ấu đã hiện diện suốt nhiều thập kỷ. Ta biết nên làm gì để một đứa trẻ không phải đánh đổi tuổi thơ. Ta biết ta cần những ngôi trường đủ can đảm để không chạy theo văn hóa huy chương, những bậc cha mẹ đủ bình tĩnh để không lấy tình yêu làm vỏ bọc cho kỳ vọng, và những cộng đồng đủ thấu cảm để nâng đỡ một đứa trẻ không vì nó xuất sắc mà vì nó đang lớn lên từng ngày.

Nhưng thế giới vẫn chưa sẵn sàng, thế giới không chịu chấp nhận một điều đơn giản: sự trưởng thành không thể bị rút ngắn. Trong một xã hội vận hành bằng hiệu suất, tầm ảnh hưởng và số má, mọi thứ đều cần có hình ảnh, cần được đong đếm, cần mang lại một kết quả cụ thể. Một đứa trẻ bình thường rất dễ bị bỏ qua. Một hành trình không có điểm nhấn rõ ràng thì dễ bị đánh giá là sai hướng. Người ta lo sợ những gì không thể gắn mác, không thể thống kê, không thể báo cáo. Và vì vậy, những giải pháp đúng đắn, nhân bản, thường bị thay thế bởi những giải pháp nhanh chóng, tiện lợi và dễ triển khai hơn.

Và cũng vì sợ hãi, ta quên mất điều căn bản nhất: tuổi thơ không phải là bản nháp cho sự nghiệp. Nó không cần được chứng minh. Nó không cần được tối ưu hóa. Nó là một giai đoạn đầy đủ, trọn vẹn, có giá trị tự thân, và xứng đáng được sống như chính nó. Không ai nên phải chứng minh mình xứng đáng với tuổi thơ của mình. Vì vậy, mỗi khi một “thần đồng” được tung hô, điều xã hội cần không phải là thêm lời khen hay thêm kỳ vọng. Mà là một sự im lặng đủ sâu để không cuốn các em đi quá xa khỏi chính mình. Là một sự dè dặt có trách nhiệm, đủ để không biến em thành biểu tượng cho một điều gì đó mà chính em chưa chắc đã lựa chọn. Là một câu hỏi nhẹ nhàng nhưng kiên định: liệu thế giới này đã đủ trưởng thành để bảo vệ các thần đồng, và không bắt chúng phải trưởng thành thay mình hay ko?